Bẫy sinh viên bằng hợp đồng thuê nhà trọ

Chuyện sinh viên thuê trọ bị “bẫy” đã không còn hiếm ở những thành phố lớn. Thế nhưng với chiêu thức tinh vi, cùng một căn nhà nhưng hầu như tháng nào cũng có nạn nhân “nhẹ dạ cả tin” vào tròng.

Tâm lý của đa số sinh viên khi tìm phòng trọ đều là ưu tiên giá rẻ, gần trường học. Lợi dụng điều này, các nhóm đối tượng đã tung ra mức giá mềm gắn mác phòng ốc đẹp, sạch sẽ, phòng trong nhà nguyên căn an ninh, đầy đủ tiện nghi,... để thu hút nạn nhân. Chỉ đến khi khệ nệ mang vác đồ tới, chủ nhà mới thật sự lộ mặt và rủi ro xuất phát từ chính sự chủ quan trong hợp đồng thuê nhà trọ.

Theo chia sẻ của một sinh viên, cậu bạn này cùng người bạn của mình vừa bị dính một vụ lừa đảo cách đây không lâu. Vô tình nhìn thấy tờ rơi với thông tin phòng trọ cho thuê giá rẻ, lại ở khu vực thuận tiện nên đã không ngần ngại liên hệ theo số điện thoại. Người này không chỉ rõ cụ thể địa chỉ mà chỉ hướng dẫn đường đi, đến nơi thì gọi lại để dẫn đi xem phòng.

tờ rơi phòng trọ với mức giá hấp dẫn

Tới nơi, cậu bạn này được dẫn vào ngôi nhà nguyên căn khang trang, sạch sẽ. Thấy nhà đẹp mà giá chỉ hơn 1 triệu nên cậu có ý định muốn thuê ngay. Theo lời của người thân chủ nhà (người trực tiếp đưa lên phòng) thì chi phí này đã bao gồm hết các khoản điện, nước, wifi,... Tuy nhiên, người cũ tầm 3 ngày nữa mới dọn đi nên hiện giờ phải để lại 1 triệu tiền cọc rồi nhận phòng sau. Quá tin tưởng vào lời hứa hẹn và sợ hết phòng nên cậu cùng người bạn của mình đồng ý ngay.

Hợp đồng thuê trọ, giữ chỗ gì đấy của chủ nhà chỉ đơn thuần là tờ giấy nhận cọc với những nội dung sơ sài và phi lý mà sau này cậu mới ngộ ra. Lúc ấy cả hai chỉ gửi tiền rồi ký vào mà không hề đọc kỹ. Thế nhưng, 3 ngày sau, khi đến nhận phòng, hai cậu bạn mới giật mình vì trọn gói đâu chẳng thấy, chỉ thấy chủ nhà thông báo tiền điện, nước, wifi, gửi xe đội giá lên gấp hai gấp ba lần chỗ khác, chưa kể nếu dùng vượt mức sẽ phải trả thêm. Thấy không ổn, lúc này cậu bạn mới ngỏ ý rút lại không thuê nữa thì bị chủ nhà “mặt nặng mặt nhẹ”, không trả lại cọc vì cam kết đã ký rồi. Đám người hung dữ làm khó dễ nên bỏ cọc chạy lấy người là giải pháp duy nhất để đảm bảo an toàn.

Cũng tương tự với chiêu thức mồi chài ở trên, nhiều đối tượng “ranh mãnh” cài vào hợp đồng điều khoản rất vô lý mà nếu không cẩn thận, chẳng mấy ai phát hiện ra. Cụ thể, lúc đi xem, phòng được dẫn tới rất đẹp, rộng rãi, sáng sủa. Đặt cọc với số tiền tương đương một tháng tiền nhà, quay lại nhận phòng thì nhận được căn phòng xập xệ, cũ nát. Hỏi ra thì chủ nhà chỉ vào hợp đồng thuê trọ rằng đây đã nói rõ, bên cho thuê sẽ giao bất kì phòng nào. Giấy trắng mực đen chẳng thể chối cãi, thuê thì không ở được mà không thuê thì chấp nhận mất cọc. Hoặc một số nơi sẽ chỉnh sửa lại thành “giao phòng khi có phòng trống”, nếu vậy chẳng biết sinh viên phải đợi đến bao giờ mà tiền cọc lại lỡ giao rồi.

mắc họa từ giấy đặt cọc giữ chỗ

Sinh viên nhẹ dạ, chỉ thấy phòng đẹp, vừa túi là đã nhanh tay giữ chỗ, ký hợp đồng mà ít khi để ý đến nội dung bên trong, nhất là vấn đề đặt cọc.

Điều 328 BLDS 2015 quy định: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
Như vậy, mục đích của chế định đặt cọc là nhằm đảm bảo thỏa thuận giữa các bên được thực hiện.

Thêm vào đó, “trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trong quy định này có đề cập đến “thỏa thuận khác” - chính là cơ sở để các bạn sinh viên tự bảo vệ mình. Bằng quy định này, bên thuê có thể tự thỏa thuận chi tiết hơn về số tiền cọc, như việc bên đặt cọc từ chối giao kết vì lý do xuất phát từ bên nhận đặt cọc như không thực hiện đúng đối tượng, chất lượng, điều kiện,... đã thống nhất trước đó hoặc bao nhiêu phần trăm khoản tiền đặt cọc sẽ bị mất nếu từ chối giao kết,...

Vì vậy, khi ký hợp đồng thuê trọ, người thuê cần đặc biệt lưu ý đến điều khoản quy định tiền cọc bên cạnh các thông tin khác. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người thuê nên tham khảo trước các nguồn tin về nhà trọ lừa đảo, kinh nghiệm thuê trọ để lựa chọn cẩn trọng hơn.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn