Đất bố mẹ cho sau khi kết hôn ai đứng tên sổ đỏ?

Sau khi cưới, nhiều bố mẹ thường cho con cái đất làm của hồi môn. Vậy đất bố mẹ cho sau khi kết hôn ai đứng tên sổ đỏ? quyền lợi của vợ chồng đối với đất ra sao?

Bố mẹ cho đất sau kết hôn

Nhiều người nghĩ rằng, mọi tài sản được mua, làm ra, được cho/tặng, hưởng thừa kế,... đều là tài sản chung của 2 vợ chồng. Điều này chỉ đúng trong trường hợp:

  • Tài sản được mua bằng tiền chung của 2 vợ chồng
  • Tài sản được bố mẹ/ông bà, người thân cho chung cả 2 vợ chồng
  • Tài sản riêng của vợ hoặc chồng trước hôn nhân được sát nhập vào tài sản chung sau khi kết hôn (có văn bản đồng ý của người sở hữu ban đầu)
  • Tài sản được sinh ra từ hoa lợi của tài sản chung của 2 vợ chồng

Các yếu tố căn cứ:

Thứ nhất: Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ - chồng được quy định như sau:

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Thứ 2: Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng:

Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”.

Đối với đất được bố mẹ cho sau khi kết hôn, người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ thuộc 4 trường hợp cơ bản sau đây:

Đất bố mẹ cho sau khi kết hôn đứng tên vợ

Vợ đứng tên đất trong 02 trường hợp:

  • Khi bố mẹ ruột của vợ cho đất và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho vợ kèm theo các giấy tờ chứng minh đất này là tài sản riêng của vợ.
  • Bố mẹ chồng cho con dâu đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho con dâu đứng tên một mình (có giấy tờ chứng minh tài sản riêng theo đúng quy định của pháp luật).

Các trường hợp đứng tên trên sổ đỏ

Đất bố mẹ cho sau khi kết hôn đứng tên chồng

Đất bố mẹ cho đứng tên chồng cũng có 2 trường hợp:

  • Đất bố mẹ cho con trai và làm sổ đỏ đứng tên 1 người là chồng kèm theo các giấy tờ chứng minh tài sản riêng của chồng hợp pháp.
  • Đất bố mẹ vợ cho con rể, chỉ định người đứng tên sổ đỏ là chồng, khi đất được bố mẹ cho là tài sản riêng của chồng kèm theo đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh tài sản riêng hợp pháp.

Với 02 trường hợp vừa nêu trên, đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, nên chỉ người sở hữu mới có quyền định đoạt đối với đất.

Nếu vợ hoặc chồng muốn sử dụng tài sản riêng của mình vào các mục đích: bán, cho thuê, tặng, biếu, cho thừa kế, cầm cố,... thì người còn lại không có quyền can thiệp.

Người còn lại chỉ được hưởng quyền lợi hoặc có quyền đối với đất khi:

  • Vợ và chồng đồng ý gộp tài sản riêng của mình vào tài sản chung.
  • Vợ/chồng người sở hữu đất chết trước không để lại di chúc, thì người còn lại được hưởng theo hàng thừa kế thứ nhất.
  • Vợ/chồng người sở hữu đất chết trước có để lại di chúc, người còn lại sẽ được hưởng theo nguyện vọng di chúc để lại.

Đất bố mẹ cho sau khi kết hôn đứng tên hai vợ chồng

Theo luật đứng tên sổ đỏ mới nhất, nhà đất là tài sản chung của vợ chồng sau khi kết hôn thì sổ đỏ sẽ ghi đầy đủ tên của vợ và chồng.

Quyền sử dụng, định đoạt đối với nhà đất giữa 02 vợ chồng là hoàn toàn giống nhau. Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nhà đất sở hữu chung cũng cần có sự đồng ý của 2 người.

Đất bố mẹ cho sau khi kết hôn đứng tên người đại diện (vợ hoặc chồng)

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Nếu vợ chồng đã thỏa thuận ghi tên một người trên sổ đỏ nhưng muốn thay đổi, pháp luật cho phép vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi Sổ đỏ để ghi tên của cả vợ và chồng. (Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013, Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP).

Quyền sử dụng đất được bố mẹ cho vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Việc chỉ có mình người chồng đứng tên trên sổ đỏ không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu của người vợ. Khi ly hôn, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nên nếu các bên không tự thỏa thuận được, Tòa án sẽ phân chia theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn