Bình Dương khởi sắc nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh

Hạ tầng giao thông Bình Dương được đánh giá là đi trước đón đầu trong bối cảnh hiện nay, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc phát triển hạ tầng giao thông có ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi diện mạo toàn diện của một quốc gia hoặc khu vực. Nhóm chuyên gia từ Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã tính toán và đưa ra con số về mối tương quan cụ thể rằng nếu chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng ở mức 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên đầu người tăng 24%, mức thu nhập đầu người cũng sẽ tăng 23%. Ý thức được mối liên hệ này, sau hơn 20 năm tái thành lập (từ 1997), Bình Dương đã nhanh chóng vươn mình, trở thành cái tên đắt giá bậc nhất tại khu vực phía Nam nhờ gắn kết xây dựng hạ tầng với phát triển đô thị.

Tiên phong đổi mới

Nếu so với Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, rõ ràng Bình Dương vẫn là cái tên còn non trẻ về tuổi đời. Tuy nhiên, lợi thế đi sau đã giúp Bình Dương nhìn nhận quá trình dài trước đó và đúc kết những kinh nghiệm, nguyên lý quan trọng, áp dụng đúng vào tình hình thực tiễn của địa phương. Điển hình là triết lý quy hoạch tổng thể trước khi tiến hành quy hoạch chi tiết, và mục tiêu đặt ra là hình thành được một nền tảng hạ tầng đồng bộ, vững chắc, mang giá trị cao về tính trung tâm và liên kết.

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, Bình Dương tập trung đầu tư kết nối vùng công nghiệp với đô thị trong tỉnh:

  • Đường có quy mô 8 làn xe dẫn vào Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh;
  • Đường 7A có 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp, đô thị tại vùng Nam Bến Cát với đô thị Mỹ Phước;
  • Thiết lập hệ thống giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
  • Tăng cường sự thông suốt trong hệ thống giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đặc biệt là tới vùng nguyên liệu,khu cụm công nghiệp chế biến, sản xuất và tiêu thụ;
  • Xây dựng cầu vượt tại Vòng xoay An Phú;
  • Xây dựng cầu vượt tại Ngã tư 550;
  • Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn: nối các đô thị, khu công nghiệp phía Bắc với các đô thị, khu công nghiệp phía Nam của tỉnh, mở ra hành lang vận chuyển hàng hóa theo trục xương sống Bắc - Nam song hành với quốc lộ 13. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cảng Thị Vải, sân bay Long Thành trong tương lai.

Bình Dương chú trọng đầu tư hạ tầng

Song song đó là kết hợp phát triển giao thông "đối ngoại", gắn kết đa chiều với các tỉnh thành trọng điểm về kinh tế:

  • Mở rộng Quốc lộ 13 từ 6 lên 8 làn xe
  • Đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch
  • Xây dựng cầu Thủ Biên: trục vành đai hướng Đông - Tây, kết nối các huyện phía Bắc Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai
  • Cầu Phú Long
  • Đường vành đai 3, vành đai 4
  • Cầu Thới An trên tuyến vành đai 4 với quy mô 4 làn xe,
  • Tuyến đường ĐT 747, 746, ĐT 745,...
  • Tuyến Metro số 3B kéo dài từ Ngã 6 cộng hòa – Hiệp Bình Phước.
  • Đường Mười Muộn - Tân Thành với quy mô 6 làn xe,…

Những tuyến đường nêu trên vừa đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển công nghiệp nội tỉnh, vừa tăng cường gắn kết, mở rộng giao thương với những đô thị vệ tinh xung quanh, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế và hoàn thiện diện mạo đô thị.

Bàn về sự đầu tư hạ tầng giao thông, Bình Dương được đánh giá cao sự sáng tạo trong công tác triển khai thực tiễn. Cách làm đầy đổi mới của lãnh đạo tỉnh Bình Dương dựa trên những chính sách, chủ trương đã góp phần tạo ra nhiều công trình mang tính biểu tượng, “thương hiệu riêng” giữa lúc khó khăn về ngân sách. Tỉnh đã nhanh nhạy kêu gọi các thành phần kinh tế nhằm phát triển hạ tầng theo hình thức BT (đầu tư xây dựng - chuyển giao) và tiếp theo đó là kêu gọi theo hướng BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao).

Kết quả của cách làm này đã được chứng minh đầy thuyết phục trong thực tiễn mạng lưới giao thông hiện nay tại Bình Dương. Nơi đây trở thành miền đất hứa với sự thay da đổi thịt nhanh chóng và đầy ngoạn mục, là điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đầu khả năng kết nối địa phương và khu vực.

Những tác động tích cực

Như đã đề cập ở phần đầu, sự phát triển hạ tầng giao thông có sức ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa. Nhờ vào giao thông được đầu tư mạnh, Bình Dương trở nên vô cùng hấp dẫn và tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. Trước khi rót tiền, hầu hết các doanh nghiệp đều có cái nhìn chung rất khả quan dành cho Bình Dương bởi môi trường đầu tư thuận lợi nhờ sự hậu thuẫn đắc lực từ mạng lưới giao thông, hàng hóa luôn đảm bảo có điều kiện vận chuyển tốt nhất.

Bình Dương có nền công nghiệp phát triển

Theo đó, trong năm 2018, Bình Dương đã thu hút được 52.861 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 25,3%), đầu tư nước ngoài chiếm 1,694 tỷ USD (vượt 20,9% kế hoạch năm). Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 9,01% (kế hoạch >8,5%). Chỉ số phát triển công nghiệp cũng tăng 9,79%, hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, thặng dư thương mại đạt trên 4,7 tỷ USD.

Bước sang 2019, trong 6 tháng đầu năm, con số này vẫn tiếp tục duy trì ở mức khả quan khi tỉnh đón nhận thêm 1,45 tỷ USD vốn FDI, nâng tổng vốn đăng ký lên 33,76 tỷ USD (năm 2018 là 31,8 tỷ).

Những ông lớn với số vốn đầu tư khủng như: Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc), Công ty TNHH Nội thất Lacouer Craft Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc), Công ty TNHH Singtex Việt Nam (Seychelles), Công ty Panasonic Life Solutions Việt Nam,... tham gia trên nhiều lĩnh vực đã góp phần tạo nên bước đệm mới cho nền công nghiệp tỉnh nhà, làm nên môi trường kinh doanh đủ tầm cạnh tranh quốc tế.

Mục tiêu phát triển của Bình Dương chính là lấy công nghiệp làm nền tảng, sự xuất hiện và phát triển của các khu công nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đô thị hóa. Nhờ vào việc góp mặt của các ông lớn trong nước và doanh nghiệp FDI, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương được đẩy nhanh tiến độ thông qua các cuộc chuyển giao, đổi mới công công nghệ. Đây chính là nền tảng để Bình Dương vươn mình tới một xã hội hoàn thiện theo hướng hiện đại - khoa học, nâng cao chất lượng đời sống cư dân.

Ngành công nghiệp - dịch vu chiếm tỷ trọng lớn là một lợi thế để Bình Dương tiệm cận với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020. Đến nay thành phố Thủ Dầu Một đã đạt tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; thị xã Thuận An và Dĩ An có quyết định “lên phố”, thị xã Bến Cát được công nhận tiêu chí đô thị loại 3, hướng đến đô thị loại 2 trong giai đoạn tới,... Sắp tới đây là quá trình hoàn thiện, thổi lại sức sống cho Thành phố Mới Bình Dương - nơi sẽ trở thành trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa của toàn tỉnh, thay thế cho thành phố Thủ Dầu Một, hướng đến mục tiêu đô thị thông minh, đẳng cấp hàng đầu khu vực.

hạ tầng thay đổi diện mạo Bình Dương rõ nét

Mặt khác, sự phát triển về kinh tế tạo nên hấp lực rất lớn cho người lao động và chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Không chỉ tạo ra không khí sôi động của một đô thị hàng đầu, điều này còn mở ra cơ hội cho các hoạt động thương mại - dịch vụ được phát triển mạnh mẽ, phong phú và đa dạng hơn. Trong đó, chịu tác động lớn nhất phải kể đến các hoạt động giao dịch nhà đất.

Thực tế, nhu cầu nhà ở của người lao động và chuyên gia nước ngoài quanh các khu công nghiệp hiện rất lớn, chưa kể đến lượng người dịch chuyển từ những vùng lân cận, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh khiến thị trường bất động sản Bình Dương có nhiều cơ hội lớn. Chính bởi hạ tầng giao thông phát triển, các sản phẩm được ra mắt đều nhận về đánh giá cao vì sự thuận lợi trong di chuyển, tiện ích nội - ngoại khu đầy đủ và nhận không ít chính sách “mở cửa” từ phía tỉnh nhà. Hiện tại, toàn tỉnh đang có gần 400 dự án bất động sản đang được triển khai, hứa hẹn tạo ra nguồn cung chất lượng và phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.

Làn sóng đầu tư bất động sản tăng nhiệt từ khu vực trung tâm cho đến vùng phụ cận của tỉnh. Chung quy lại cũng bởi giao thông thuận tiện, kề cận nhiều khu công nghiệp nên hầu hết mọi vị trí đều có tiềm năng sinh lời và khả năng thanh khoản tốt. Kết hợp cùng ưu thế giá rẻ và quỹ đất dồi dào, các dự án khu đô thị, đất nền hoặc căn hộ, shophouse đều có mức tiêu thụ trên 85% ở mỗi đợt ra mắt. Những cái tên như Vingroup, Đất Xanh, Chánh Nghĩa Quốc Cường, Becamex Tokyu,... nổi bật với các dự án khu thương mại, căn hộ cao cấp tại Dĩ An, Thành phố Mới, Thuận An,... Riêng tại khu vực khác của tỉnh như Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên lại dẫn đầu bởi xu hướng bất động sản xanh với dự án Phúc An Garden, Hanna Garden Mall, hay Bến Cát lại nhộn nhịp với nguồn cung căn hộ quanh khu công nghiệp đạt mức “kỷ lục”,...

Nhờ sức hút từ hạ tầng giao thông, Bình Dương được giới chuyên gia đánh giá là khu vực nổi bật nhất trên thị trường bất động sản vùng ven. Những cơn sốt đất liên tục diễn ra khiến vùng đất này được quay trở lại ngôi vương sau khoảng thời gian dài lặng sóng. Điều này đã một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong cơ chế lãnh đạo của tỉnh nhà, lấy kinh tế làm nền tảng và muốn làm được điều đó, trước hết phải chú trọng vào hệ thống hạ tầng đồng bộ, thông suốt và mở rộng.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, hạ tầng vẫn là yếu tố được Bình Dương coi trọng hàng đầu để duy trì và khai thác tốt nội lực về kinh tế, tạo tiền đề cho một công cuộc phát triển toàn diện, đa ngành - đa lĩnh vực, thiết lập vị thế vững chắc trên bản đồ kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn