Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những điều cần biết

Khi giải quyết tranh chấp đất đai, trong một số trường hợp, Tòa án có thẩm quyền sẽ tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tranh chấp đất đai là một trong các loại tranh chấp được cho rằng phức tạp và khó giải quyết nhất hiện nay. Một phần bởi các tình tiết phức tạp, mâu thuẫn chồng chéo, phần khác xuất phát từ những quy định còn gây “tranh cãi”, chưa có sự áp dụng thống nhất. Việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được thực hiện bởi chính cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục được quy định trong pháp luật hiện hành.

Khi nào hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một chủ thể, mà đương sự trong vụ án dân sự cho rằng việc cấp giấy đó là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ; Tòa án xét thấy cần hủy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức:

  • Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
  • Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
  • Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.
  • Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

tòa án hủy Giấy chứng nhận QSDĐ

Từ quy định trên, có hai vấn đề cần được xác định rõ:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định cá biệt.
  • Để khởi kiện vụ án dân sự có liên quan đến yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn phải nộp đơn khởi kiện đến TAND cấp huyện. Nếu trong quá trình xét xử nhận thấy phải hủy Giấy chứng nhận thì Tòa huyện mới chuyển vụ án lên Tòa tỉnh. (Trong văn bản giải đáp số 02 của TAND Tối cao).

Thời hiệu yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trước thời điểm Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thi hành, vấn đề thời hiệu yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được đặt ra (theo hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 01/2014). Tuy nhiên, khi bộ luật mới được áp dụng, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực kéo theo văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Do đó, vấn đề về thời hiệu yêu cầu được đặt ra, rằng sẽ xử lý theo hướng nào.

Nếu áp dụng quy định của Luật tố tụng hành chính (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính) thì thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (khoản 2 Điều 116).

Về cơ bản, quy định này tưởng chừng như giải quyết được câu hỏi đặt ra về thời hiệu, tuy nhiên việc xác định “nhận được” và “biết được” đang có nhiều tranh cãi, kết luận này ảnh hưởng rất lớn đến thời hiệu yêu cầu. Đa phần, xét theo khía cạnh “nhận được” thì hầu hết các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều đã hết thời hạn yêu cầu hủy. Do đó, phần đa hướng giải quyết bây giờ đều áp dụng trường hợp “được biết”, nghĩa là từ ngày đương sự phát hiện, nhận thấy sai sót, dấu hiệu xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn