Phân biệt cấp lại, cấp đổi và đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Xoay quanh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều người dân còn khá “mơ hồ” về các khái niệm và thủ tục liên quan, đơn cử như việc cấp lại, cấp đổi và đính chính.
Khi xuất hiện các vấn đề về thông tin, hình thức của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đa số người dân thường gặp lúng túng, không biết nên xử lý theo thủ tục nào, tại cơ quan nào. Việc không “định hình” cách thức giải quyết khiến chủ sử dụng chậm trễ trong khâu khắc phục, rất dễ xảy ra các rủi ro pháp lý. Thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện những nội dung quan trọng nhất liên quan đến đất đai và tài sản trên đất, do đó việc cấp lại, cấp đổi và đính chính là vô cùng cần thiết.
Ở mỗi thủ tục sẽ có những quy định và dấu hiệu nhận biết riêng, bài viết này sẽ chỉ ra cụ thể sự khác biệt cho mỗi trường hợp, dựa trên các quy định đang được áp dụng ở hiện tại trong luật Đất đai 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành.
Cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trường hợp áp dụng
Cấp lại khi bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thủ tục tiến hành
Bước 1. Khai báo và cam kết về việc báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND cấp xã, phường nơi có đất .
Bước 2. Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ địa chính có trách nhiệm
- Xác định số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của giấy chứng nhận bị mất;
- Chuyển đơn khai báo lên phòng tài nguyên và môi trường thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Niêm yết thông báo việc mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất.
Bước 3. Chuẩn bị hồ sơ và nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp xã, phường nơi cư trú.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK; (Thông tư 24/2014/TT-BTNMT)
- Giấy tờ xác nhận việc mất Giấy chứng nhận của công an cấp xã nơi mất giấy;
- Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất Giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hoả hoạn) đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Trường hợp hộ gia đình và cá nhân thì chỉ cần có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Có thể nộp kèm bản sao giấy chứng nhận đã mất (nếu có)
Thời hạn giải quyết hồ sơ
Tối đa là 10 ngày từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không quá 20 ngày.
Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trường hợp áp dụng
- Có nhu cầu đổi Sổ đỏ được cấp trước ngày 10/12/2009 sang mẫu mới
- Sổ đỏ đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
- Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;
- Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà chỉ ghi một trong hai, nay có yêu cầu cấp đổi để ghi họ, tên của cả vợ và chồng.
Thủ tục thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ với đầy đủ các thành phần sau:
- Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK (Thông tư 24/2014/TT-BTNMT)
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh hoặc nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong thời gian tối đa 03 ngày,
- Nếu hồ sơ đầy đủ thì tiến hành thủ tục tiếp nhận hồ sơ, trao phiếu cho người nộp.
Bước 3. Giải quyết yêu cầu
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm:
+ Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;
+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
+ Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; - Trao hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời hạn giải quyết hồ sơ
- Tối đa 7 ngày, nếu ở khu vực các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không quá 17 ngày từ ngày nhận hồ sơ.
- Nếu cấp đổi đồng loạt cho nhiều người thì thời hạn không quá 50 ngày.
Đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trường hợp áp dụng
- Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
- Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
Thủ tục thực hiện
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các thành phần sau:
- Bản sao chứng minh nhân dân.
- Bản sao sổ hộ khẩu.
- Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đơn đề nghị đính chính Giấy chứng nhận (trường hợp phát hiện sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất)
Bước 2. Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường
Bước 3. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định trong thời hạn 3 ngày.
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
- Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thời hạn giải quyết hồ sơ
Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tổng thời gian thực hiện là 20 ngày.
Xem thêm: