Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy trình thủ tục cần biết

Theo Luật đất đai năm 2003 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Theo Khoản 16, Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đai là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay

Theo khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013, không chỉ riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà còn một số giấy tờ khác được công nhận còn giá trị pháp lý như sau:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
  • Các loại giấy tờ chứng nhận khác (theo quy định của pháp luật)

Ngoài sổ đỏ, sổ hồng khá quen thuộc với tất cả mọi người thì còn một vài loại sổ khác cũng có giá trị gần tương đương như: sổ trắng và giấy hồng. Theo quy định của pháp luật, cả 4 loại sổ trên đều có pháp lý như nhau. Thực tế hiện nay vẫn đang lưu hành cả 4 loại giấy tờ này, miễn là sổ thật. Nói rõ hơn về giá trị của các loại giấy và sổ này như sau:

  • Sổ trắng: Các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất như bằng khoán điền thổ, văn tự mua bán nhà ở,…
  • Sổ đỏ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Sổ hồng: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
  • Giấy hồng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

a. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu

Đối với các đối tượng thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu, Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã quy định phải thực hiện đầy đủ các bước như sau:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ

Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

  • Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp sổ đỏ

Đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận. Sau đó viết và đưa Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp.

Đối với trường hợp hồ sơ thiếu, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn người nộp bổ sung trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hoàn chỉnh, bộ phận có chức năng sẽ tiến hành xử lý yêu cầu cấp sổ đỏ cho hộ gia đình và các nhân. Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thông báo các khoản tiền phải nộp cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu cấp Sổ. Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo quy định như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có). Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.

  • Bước 3: Trả kết quả (cấp sổ đỏ)

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Sổ đỏ cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Sổ đỏ cho UBND cấp xã để trao hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã.

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - 2

(Thời hạn cấp sổ đỏ sẽ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ [tính theo thời gian ngày làm việc] và không quá 40 ngày với các xã thuộc vùng sâu vùng xa và các khu vực điều kiện khó khăn)

b. Thủ tục sang tên sổ đỏ trong trường hợp chuyển nhượng hoặc tặng, cho

  • Bước 1: Đặt cọc (áp dụng khi sang tên Sổ đỏ trong trường hợp chuyển nhượng)
  • Bước 2: Lập hợp đồng và công chứng hợp đồng

Các loại hồ sơ và giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng nhà đất được hướng dẫn ở khoản 1, điều 40 Luật công chứng 2014 bao gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng
  • Dự thảo hợp đồng, giao dịch (nếu các bên chuẩn trước, nếu không thì yêu cầu công chứng viên soạn hợp đồng chuyển nhượng)
  • Giấy chứng nhận QSDĐ
  • Giấy tờ tùy thân của hai bên (CMND hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước…)
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu còn độc thân hoặc Giấy đăng ký kết hôn nếu đã có gia đình của hai bên
  • Sổ hộ khẩu của hai bên

(Với trường hợp bán đất, nên tham khảo mẫu hợp đồng mua bán nhà đất chuẩn theo quy định pháp luật mới nhất)

  • Bước 3: Kê khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính

Hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai lệ phí trước bạ
  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân
  • Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất
  • Bản sao CMND, sổ hộ khẩu của cả hai bên
  • Bước 4: Nộp hồ sơ sang tên tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị theo mẫu;
  • Sổ hộ khẩu, CMND của bên mua;
  • Giấy chứng nhận QSDĐ;
  • Hợp đồng chuyển nhượng đã công chứng...

(Người mua hoặc người nhận chuyển nhượng, tặng, cho phải nộp đầy đủ các khoản lệ phí như: Lệ phí địa chính; Lệ phí thẩm định; Lệ phí cấp Sổ đỏ…)

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - 3

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Để tất cả các bước của thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tiến hành thuận lợi, trước hết người dân phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, tránh sai sót hoặc thiết hụt. Theo quy định hiện hành, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm có:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu
  • Bản photocopy sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản sao giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và đủ điều kiện được sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 66, 67 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP
  • Bản sao chứng thực giấy tờ về quyền sử dụng đất (nếu có)
  • Bản sao chứng thực giấy tờ về tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Quy định này (nếu có tài sản và có yêu cầu chứng nhận quyền sở hữu)
  • Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ quy định tại điểm d khoản này đã có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng)
  • Văn bản ủy quyền nộp hồ sơ hoặc nhận Giấy chứng nhận (nếu có)
  • Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có)
  • Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất
  • Đơn đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất, ghi nợ lệ phí trước bạ (đối với trường hợp chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ).

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - 4

Trên đây là các bước trong thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các vấn đề liên quan. Hy vọng những thông tin này phần nào đã giúp được anh/chị giải quyết những vướng mắc đang gặp phải và sớm nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình. Đây là loại giấy tờ quan trọng nhất khi làm hợp đồng cho thuê nhà ở hoặc hợp đồng mua bán nhà đất. Vì vậy phải sớm hoàn thiện để tránh những rắc rối, tranh chấp không đáng có.

>>>> Xem thêm:

Đánh giá của bạn