Khu công nghiệp đô thị dịch vụ là gì? Tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Sở hữu lợi thế đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, khu công nghiệp đô thị dịch vụ đang góp phần nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp và quá trình đô thị hóa.

Loại hình khu công nghiệp xây dựng theo hướng kết hợp giữa khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, khu công nghiệp đô thị dịch vụ bắt đầu nở rộ, đặc biệt tại các thành phố lớn và đô thị vệ tinh lân cận.

Khu công nghiệp đô thị dịch vụ là gì?

Khu công nghiệp đô thị dịch vụ được hiểu là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp. Trong đó, mô hình phát triển song song giữ khu sản xuất công nghiệp và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí,… để tạo nên một môi trường sống và làm việc tốt cho người lao động và chuyên gia.

khu công nghiệp đô thị dịch vụ - 1

Phân khu chức năng của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng sau đây:

  • Khu công nghiệp là khu chức năng chính
  • Khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp

Khu đô thị - dịch vụ trong mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp.

Ngoài ra, quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ tối đa không vượt quá một phần ba (1/3) quy mô diện tích khu công nghiệp.

Mục tiêu phát triển của các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

  • Hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương.
  • Giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững.
  • Góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều khu công nghiệp, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.
  • Hình thành khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ với môi trường sinh sống, làm việc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, tiện ích cho người dân, người lao động; hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

(Theo điều 36 nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế)

Trình tự, thủ tục đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

  • Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có thể có một nhà đầu tư hoặc nhiều nhà đầu tư khác nhau thực hiện đầu tư phát triển toàn bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các khu chức năng.
  • Trường hợp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong một dự án tổng thể, nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp quy định tại pháp luật về đầu tư.
  • Trường hợp thực hiện đầu tư theo từng dự án riêng cho từng khu chức năng thì nhà đầu tư của khu chức năng thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư tương ứng áp dụng đối với dự án theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
  • Khu chức năng đô thị - dịch vụ chỉ được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cơ bản của khu công nghiệp.
  • Các nhà đầu tư của các khu chức năng có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo tính kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; các khu chức năng đô thị - dịch vụ phải hỗ trợ cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp.
  • Sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và Nghị định này, việc triển khai xây dựng, quản lý các phân khu chức năng trong khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng với các khu chức năng.

(Theo điều 38 nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế)

khu công nghiệp đô thị dịch vụ - 2

Tiềm năng phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại Việt Nam

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều các dự án khu công nghiệp xây dựng theo hướng khu công nghiệp kết hợp với phát triển đô thị - dịch vụ ngay trong ranh giới quy hoạch khu công nghiệp và sử dụng khoảng 1/3 đất khu công nghiệp trở nên phổ biến. Nhiều chuyên gia bắt đầu chú ý nhiều hơn đến điều kiện và tiềm năng phát triển loại hình khu công nghiệp này.

Với các tiêu chí cụ thể như:

  • Quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư
  • Cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa
  • Hệ thống tiện ích đồng bộ đáp ứng nhu cầu riêng cho nguồn lao động chất lượng cao như các chuyên gia nước ngoài, quản lý cấp cao, chuyên viên kỹ thuật,…

Rất nhiều chủ đầu tư lớn tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có xu hướng phát triển hạ tầng sản xuất gắn liền hạ tầng xã hội này như: Becamex IDC, TNR Holdings, Phú Mỹ, Rạng Đông, Viglacera, IDICO,…

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, tại thời điểm quỹ đất ngày càng hạn hẹp, thì việc quy hoạch và phát triển Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ trong chính các khu công nghiệp sẽ là chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất và giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất.

Tại các đô thị vệ tinh của thành phố lớn, Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ đang được xem yếu tố tạo nên thế mạnh trong việc cạnh tranh tốc độ phát triển kinh tế và bất động sản.

Các Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ tại Việt Nam

Ở khu vực phía Nam, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đang được chú trọng đầu tư tại một số địa phương như ở Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh,... Trong đó có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như:

  • Khu đô thị và công nghiệp VSIP 2 Bình Dương (nằm trong Khu đô thị Liên Hiệp TP Mới Bình Dương, quy mô 4196 ha)
  • Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex VSIP Bình Định
  • Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông (tại xã Phước Đông, Gò Dầu, Tây Ninh. Tổng diện tích là 3.158ha, trong đó có 2.190ha là đất phát triển khu công nghiệp.)
  • Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Phước (địa chỉ tại xã Minh Thành, Chơn Thành, Bình Phước. Tổng diện tích là 4.600ha, trong đó 2.400ha là đất phát triển công nghiệp và 2.200ha là đất dịch vụ và đô thị.)
  • Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (tại Long An, tổng diện tích hơn 1.844ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho khu công nghiệp hơn 1.215ha, đất dành cho khu đô thị gần 630ha)
  • Khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) - sắp triển khai
  • ...

khu công nghiệp đô thị dịch vụ - 3

Ở khu vực phía Bắc, nhiều tỉnh cũng đang hướng xây dựng khu công nghiệp theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Tuy nhiên, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ vẫn đang nằm trong kế hoạch. Nhưng có thể nhận thấy, nếu nếu có sự phát triển đồng bộ trong hạ tầng, có sự kết hợp hài hòa giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào các dự án khu công nghiệp thì khả năng nở rộ của mộ hình này hoàn toàn có thể xảy ra trong 10 - 20 năm tới.

>>>> Xem thêm:

Đánh giá của bạn