Người thu nhập thấp vẫn khó khăn khi mua nhà ở xã hội

Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng thực tế, việc mua nhà ở xã hội giá rẻ vẫn là bài toán khó đối với người dân có thu nhập thấp.

Tính đến hết năm 2018, số lượng nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng thống kê đang ở mức 198 dự án với 81.700 căn và khoảng 226 dự án khác đang tiếp tục được triển khai. Ở một vài phép tính, nhu cầu đến năm 2020 phải cần có lượng nguồn cung đáp ứng cho hơn 3,4 triệu người lao động, tương đương với phải bổ sung thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn. Tuy nhiên các con số hiện tại đang khiêm tốn hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra. Điều này cho thấy, người thu nhập thấp cũng sẽ chẳng dễ dàng gì để mua được nhà, dù đó là nhà ở xã hội giá rẻ.

Chủ đầu tư không mấy quan tâm

Hiện tại, các doanh nghiệp đứng ra xây dựng dự án nhà ở xã hội đang được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, như:

  • Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê.
  • Được dành 20% tổng diện tích đất xây dựng trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại;
  • Được giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội;
  • Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng.

Tuy nhiên, những hỗ trợ trên dường như chẳng khiến doanh nghiệp cảm thấy mặn mà hơn với các dự án này. Phân tích trên góc độ người đầu tư, doanh nghiệp nhận thấy ưu đãi trên đây khó có thể so sánh được với các rủi ro có thể gặp phải. Thực tế, dù là dự án nhà ở xã hội nhưng phần tiện ích vẫn phải đảm bảo, nếu không sẽ không thu hút được khách hàng. Còn nếu “xuống tiền” thì thách thức đặt ra khi lợi nhuận tối đa lại không được phép vượt qua 10%. Ranh giới giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận chưa bao giờ lại mong manh đến như vậy.

nhà đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội

Sự khống chế về giá ngay từ đầu đã đánh mất đi tính chất linh hoạt trên thị trường, khiến nhà đầu tư lo ngại về nguồn vốn mà mình bỏ ra. Do đó, thay vì đánh đổi với loạt ưu đãi, doanh nghiệp vẫn ưu tiên hơn các hình thức nhà ở thương mại - dễ bán, dễ điều chỉnh.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay 19.000 tỷ đồng đang bị nghẽn ở con số 1.200 tỷ khiến cho nhiều dự án bị gián đoạn, nằm chờ đợi dai dẳng, nguồn cung một lúc một nhỏ giọt trên thị trường.

Người dân khó vì đâu

Nhiều người lao động mong muốn tích góp để sở hữu cho mình một căn nhà vừa tầm giá, thế nhưng mong đợi bao nhiêu, thực tế khó khăn lại muốn họ bỏ cuộc bấy nhiêu.

Theo chia sẻ, phần đa người mua đều cho rằng thủ tục mua nhà ở xã hội hiện nay quá phức tạp, rắc rối. Để có thể chứng minh mình đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, người dân đôi khi phải "năm lần bảy lượt" mới xin đủ giấy tờ, ký xác nhận,... Chưa kể, nhiều căn nhà không thể tiến hành thủ tục vay vốn vì đã bị chủ đầu tư thế chấp, bài toán tài chính lại quay trở về như ban đầu khi không được ngân hàng hỗ trợ.

người dân gặp khó vì thủ tục

Liên quan đến khó khăn này, chủ đầu tư phải là người đứng ra chịu trách nhiệm. Theo Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (đoàn Luật sư Tp. Hà Nội), tại khoản 2, điểm b Điều 63 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định rõ:
“Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội có sẵn phải tuân thủ các điều kiện sau đây: Khu vực nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, để bán đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; nếu chủ đầu tư muốn thế chấp nhà ở thì phải giải chấp trước khi bán, cho thuê mua nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý”.

Như vậy tài sản (là bất động sản hình thành trong tương lai) phải được giải chấp trước khi bán và người dân có quyền sử dụng tài sản này thế chấp vay vốn tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào để vay tiền thanh toán mua nhà ở xã hội. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người mua vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Như đã đề cập ở những bài viết trước, nhà ở xã hội ngày nay không còn dành riêng cho người thu nhập thấp, những dấu hiệu trục lợi từ nhà ở xã hội cho thấy người dân còn rất khó khăn khi tiếp cận thông tin và hầu như không đủ khả năng để cạnh tranh với sự dòm ngó của “người giàu”. Vì vậy, nhà ở xã hội mở ra nhiều hứa hẹn với người lao động nhưng hứa hẹn đó có khả năng thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào việc rà soát, quản lý thị trường, tạo ra hành lang pháp lý chắc chắn từ phía các nhà làm luật, nhà quản lý và cơ quan chức năng.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn