Cảnh giác 2 thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo

Thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang ngày càng có dấu hiệu hoành hành trở lại với nhiều chiêu trò tinh vi, thậm chí có thể qua mắt cả cơ quan nhà nước.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất theo quy định hiện hành) là cơ sở ghi nhận quyền sở hữu, sử dụng của các cá nhân đối với bất động sản; là loại giấy tờ được quy định bắt buộc phải có khi tiến hành làm hợp đồng mua bán nhà đất hoặc cho thuê. Chính bởi tính chất này, Giấy chứng nhận la miếng mồi ngon để những kẻ lừa đảo chuộc lợi bằng việc đem đồ giả đi giao dịch thật. Thủ đoạn ngày càng có dấu hiệu khó nhận biết khiến số vụ lừa đảo tăng lên nhanh chóng. Dù đề cao cảnh giác nhưng nhiều người vẫn khó có thể “thoát bẫy”.

Hai thủ đoạn làm giả Giấy chứng nhận

Làm giả Giấy chứng nhận từ phôi thật

Đây là trường hợp mà ngay cả đến ngân hàng, văn phòng công chứng cũng khó có thể phân biệt được, chưa kể đến người dân thiếu kiến thức và công cụ để kiểm tra.

Bằng một cách nào đó, các phôi thật bị lọt ra bên ngoài (thực tế nhiều cơ quan để xảy ra tình trạng mất phôi thật), tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng làm giả. Ngoài phần phôi, các đối tượng sẽ làm giả nội dung, con dấu, và chữ ký. Chúng sử dụng địa chỉ nhà thật để nếu có đến trực tiếp, nạn nhân cũng sẽ hoàn toàn không chút nghi ngờ.

Vì là phôi thật nên khi kiểm tra tất nhiên sẽ nhanh chóng được kết luận “không bị làm giả”, đủ điều kiện để tiến hành giao dịch.

thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận tinh vi

Làm giả hoàn toàn Giấy chứng nhận

Bằng nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ, trường hợp này có thể kịp thời phát hiện. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ cao, thủ đoạn làm giả Giấy chứng nhận không còn sơ sài và thủ công như trước. Phía cơ quan điều tra cũng không thể ngờ rằng Giấy chứng nhận làm giả lại tinh xảo đến vậy, bằng mắt thường chắc không thể nhận ra.

Theo các “thợ lành nghề” nhiều năm nhận làm Giấy chứng nhận giả, chỉ cần một chiếc máy scan, vài thủ thuật chỉnh sửa trên máy tính, máy in màu là có thể cho ra đời hàng chục sổ đỏ, sổ hồng theo yêu cầu. Chưa kể đến sự “đầu tư” khi chữ ký trên Giấy chứng nhận cũng là “ký trực tiếp” nhờ vào việc “tập luyện” thường xuyên để quen tay, quen nét.

Giá của mỗi Giấy chứng nhận chỉ ở mức 4 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, các loại giấy tờ khác như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cũng được nhận làm với giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng.

"Muôn màu" lừa đảo bằng Giấy chứng nhận làm giả

Tiệm cầm đồ - con mồi béo bở

Theo ghi nhận, lợi dụng sự chủ quan, cả tin của các chủ hiệu cầm đồ, đối tượng mang Giấy chứng nhận giả đến, trình bày câu chuyện hoàn cảnh khó khăn để “gợi” lòng thương. Nhiều chủ tiệm không ngần ngại nhận cầm cố mỗi Giấy chứng nhận giả với giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Chỉ khi thấy khách hàng “lặn mất tăm hơi”, nạn nhân vội vàng đi xác minh lại giấy tờ thì mới ngã ngửa biết mình bị lừa.

Dùng hàng giả đánh tráo Giấy chứng nhận thật

dùng sổ giả để lừa đảo

Trong bối cảnh thị trường bất động sản diễn ra nhiều giao dịch như hiện nay thì thủ đoạn này được áp dụng rất phổ biến, điều đáng nói là “kỹ thuật điêu luyện” của đối tượng khiến nạn nhân không may mảy nghi ngờ hay có thể nhận ra được. Đóng vai những người khách thiện chí muốn mua nhà, chúng vờ mượn Giấy chứng nhận để xem xét, nhân cơ hội lấy thông tin có ở trên đó, về làm giả rồi đánh tráo. Hoặc thông qua tin ráo bán nhà kèm hình ảnh, chúng đã nhanh tay làm giả trước khi tới, sau đó vẫn đặt cọc tạo niềm tin rồi nhanh chóng “tẩu thoát” cùng với sổ thật.

Dễ dàng qua mặt ngân hàng

Như đã đề cập ở trên, nhiều đơn vị vì tính chất công việc buộc phải có nghiệp vụ về kiểm tra thật - giả Giấy chứng nhận. Nhưng nếu làm từ phôi thật, không hề dễ dàng để có thể nhận biết. Vì vậy, nhiều ngân hàng nhận thế chấp sổ giả mà không hề hay biết. Thậm chí, đối tượng còn áp dụng chiêu thức tương tự khi làm giả giấy tờ nhân thân nhằm sử dụng trái phép Giấy chứng nhận của người khác vào mục đích cá nhân. Đến khi vỡ lở hay có tranh chấp phát sinh, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào bế tắc.

Làm sao để có thể nhận biết Giấy chứng nhận giả

Mặc dù không đảm bảo có hiệu quả trong mọi trường hợp, tuy nhiên một vài cách thức dưới đây có thể hỗ trợ người dân xác minh Giấy chứng nhận liệu có dấu hiệu nào đáng nghi hay không.

Cảm nhận bề mặt

Giấy chứng nhận thật khi cầm trên tay sẽ có độ nhám nhất đinh, trong khi đó, Giấy chứng nhận giả lại “mượt hơn”, nhất khi được ép plastic sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị làm giả cao hơn.

Sử dụng kính lúp để điểm tra

Với phương pháp in offset, Giấy chứng nhận thật sẽ có màu sắc rõ nét và đồng đều. Quan sát dưới kính lúp có thể thấy các chi tiết trên Giấy chứng nhận thật được tạo nên bởi các chấm mực cùng màu, trong khi giấy giả lại chênh lệch độ đậm nhạt và bị nhòe.

phân biệt Giấy chứng nhận thật giả

Dùng ánh sáng

Chiếu ánh sáng xiên theo góc 10 - 20 độ ở vị trí đóng con dấu ở mặt trước để quan sát:

  • Giấy chứng nhận thật: mã số hiệu in vào chính giữa, hình dấu được in lồi và có thể đọc rõ các nội dung
  • Giấy chứng nhận giả: mã số hiệu bị lệch, hình dấu in lõm và không hiển thị đủ nội dung.

kiểm tra dấu nổi trên Giấy chứng nhận

Dấu vết tẩy xóa

Quan sát ở một số vị trí có chứa nội dung dễ bị tẩy xóa như: Số sổ; số vào sổ quyết định; loại đất, thời hạn, diện tích. Đối với trang bổ sung cũng kiểm tra tương tự, đặc biệt là độ trùng khớp của dấu giáp lai.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền để xác minh toàn bộ thực trạng đất trước khi tiến hành bất kỳ giao dịch quan trọng nào.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn